Okashi no ie, hay Ngôi nhà bánh kẹo, có nhiều yếu tố để trở thành một phim slice of life xuất sắc.
Chuyện phim kể về một đám người nhàn rỗi, suốt ngày ngồi chồm hỗm, hoặc nằm lả lơi giữa khoảnh sân sau của tiệm bánh kẹo xóm cũ xập xệ, vừa mút kem nhai kẹo (nhai mút quá cụt vốn luôn, vì khách khứa đằng nào cũng chỉ lèo tèo vài mống, tiệm nhỏ eo sèo sao cạnh tranh nổi với những cửa hàng tiện lợi quá rực rỡ và quá... tiện lợi) vừa tám chuyện trên trời dưới đất, từ cảm thán vụ con nhỏ học chung lớp hồi tiểu học hay đái dầm - tự hỏi nó bây giờ ra sao, chồng con gì chửa; đến tin tức chiến sự Israel đang nóng bỏng thế nào, tình hình kinh tế u ám và vấn nạn môi trường năm nay không biết có được cải thiện không...
Một đám người lê la bò toài trong kỉ niệm hoa niên và mộng mơ tuổi nhỏ, ngồi nhặt nhạnh từng mẩu kí ức rớt rơi từ quá khứ.
Mà kỉ niệm hoa niên và mộng mơ tuổi nhỏ luôn có một mãnh lực khác thường. Cho nên họ bị nghiện, họ nghiện sống trong hồi tưởng, nơi góc sân và ngôi nhà cũ kĩ gió sương hãy còn lẩn khuất hương kẹo ngọt ấu thơ, ngôi nhà mà mỗi buổi tan trường vẫn ân cần chờ đón bước chân ríu rít của họ giữa tinh tang chuông gió. Sống trong hồi tưởng có gì xấu? Không có gì, chỉ là ta phải sẵn sàng chấp nhận để bản thân tan tác và phôi pha theo nó, bởi guồng máy đô thị không cho phép bất cứ ai chậm lại để thẩn thơ cùng dĩ vãng.
Phim mang chút cảm khái, thương tâm khi miêu tả sự hụt hẫng, tiếc nuối đối với những thứ thuộc về ngày-hôm-qua, những thứ đang và sẽ bị thời gian đào thải. Như tiệm bánh kẹo nhỏ bằng cái hột quẹt Sakuraya, như nhà tắm công cộng của ông Shima... Chúng lỗi thời nên chúng bị những cái mới hơn và tốt hơn thay thế. Nhưng "lỗi thời" cũng có nghĩa là từng "có thời" huy hoàng xáng lạn, từng là "miền thương nhớ" của bao người.
Mình còn thích những đoạn đối thoại nhẩn nha tưng tửng, vô thưởng vô phạt, thô thiển nhưng thiệt thà, của mấy cô cậu "thiếu niên" sắp sang tứ tuần :)). Người ta lớn lên sẽ quên mất trái tim ngây ngô, quên mất làm thế nào để "thơ dại", người ta thường chỉ có thể đứng ở một bên ngoái nhìn chính mình trong quá khứ thơ dại ngây ngô mà phì cười, mà xốn xang.
"- Chú ơi, dưa muối là gì?
- Dưa muối à... (giả bộ suy nghĩ 5s)
Là "tình yêu" đó nhóc.
- Thế tình yêu là gì?
- Tình yêu à... (nghĩ thêm 5s nữa)
Là thứ người lớn phải dùng cả đời để tìm hiểu".
(suy ra khi lớn con người ta ngu đi, bởi hồi nhỏ đứa nào chẳng biết "tình yêu" là gì =)))))))))))) ).
5 tập đầu phim rất hay. Hay thật là hay. Dịu dàng, ý nhị, tương tác giữa các nhân vật vô cùng mướt. Phim có nhiều góc quay điện ảnh, gam màu điện ảnh chuyên chở không gian hoài niệm lặng lẽ man mác buồn. Nỗi buồn không quặn thắt, mà phảng phất nhẹ nhàng, bởi lẽ khu phố nhỏ, con đường hẹp và khoảng trời - góc sân thơ ngây đó làm sao chứa nổi những buồn đau trĩu nặng của nhân gian?
Từ tập 6, phim có chiều hướng đả phá đi cái không gian hoài niệm khiến người ta cảm mến sâu sắc đó, là một điều đáng tiếc. Vài chi tiết cũng chưa đủ độ "lặng" và "phiêu" (như chi tiết về cô bạn Kiyomi ở tập 3) để đưa khán giả vào sâu hơn nỗi hối tiếc canh cánh cõi lòng của nhân vật. Mình đành đánh giá đó là do đạo diễn kiêm biên kịch Ishii Yuya vẫn còn đôi chỗ thiếu bản lĩnh trong việc dệt mộng cho câu chuyện, một điều cũng khó trách, vì anh vốn chuyên đạo diễn movie chứ đã có mấy kinh nghiệm viết kịch bản cho drama đâu :)).
Phim có hai ngôi sao Odagiri Joe và Ono Machiko diễn một đôi thanh mai trúc mã dễ thương vừa đủ, nhưng điểm nhấn chủ đạo nằm ở nam chính cùng hội "mút kẹo" ăn không ngồi rồi của nam chính :)). Dàn khách mời từng tập còn có Fujiwara Tatsuya, Narumi Riko (lâu rồi không thấy em). Lâu lắm mới thấy TBS làm được một phim lắng đọng được tới mức này :)).